Biển Bãi Dài là bãi biển đẹp nhất Việt Nam

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

NHA TRANG: Thành phố không còn người xin ăn trong tương lai gần

Mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, người xin ăn sẽ có nơi tiếp nhận hỗ trợ, không còn phải lang thang ngoài đường, không còn phải bị người khác lợi dụng chăn dắt.
Ngày 6-4, UBND TP. Nha Trang tổ chức lễ công bố Đề án thực hiện mục tiêu không có người lang thang xin ăn trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2020. Ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đến dự.

Ra mắt Đội 524

Tại lễ công bố, thành phố đã ra mắt Đội chuyên trách tập trung người lang thang xin ăn, gồm 11 thành viên (gọi tắt là Đội 524). Đội có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tập trung người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố; lập hồ sơ ban đầu của đối tượng trước khi chuyển đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Đội làm việc từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, đồng thời tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý thông tin về người lang thang xin ăn do các tổ chức, cá nhân cung cấp qua đường dây nóng 0583.525440.

Một người lang thang xin ăn trên địa bàn TP. Nha Trang
Ra mắt Đội 524

Được biết, từ ngày 1-3 đến nay, Đội 524 đã tập trung được 29 đối tượng, trong đó có 16 đối tượng từ hoạt động kiểm tra hiện trường, còn lại là qua đường dây nóng. Ông Võ Ngọc Sơn - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Đội trưởng Đội 524 cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động, đội nhận được sự hỗ trợ tích cực của người dân qua thông báo từ đường dây nóng. Đến nay, đội đã nhận được 46 lượt tin báo, nhưng chỉ có 13 tin có đối tượng tại hiện trường. Đã có 8 người dân đến nhận tiền hỗ trợ, còn lại 5 người từ chối nhận tiền hỗ trợ”.

Quyết tâm dẹp nạn lang thang xin ăn

Một người lang thang xin ăn trên địa bàn TP. Nha Trang
Một người lang thang xin ăn trên địa bàn TP. Nha Trang

Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, những năm trước, thành phố đã nỗ lực giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn. Từ năm 2002 đến năm 2015, trung bình mỗi năm có hơn 200 người lang thang xin ăn được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng này chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục mà chỉ làm theo đợt cao điểm các ngày lễ, Tết. Bên cạnh đó, chưa có lực lượng thường trực, chưa quy định rõ đối tượng lang thang xin ăn, hồ sơ quản lý đối tượng chưa chặt chẽ… Chính những bất cập này nên tình trạng người lang thang xin ăn vẫn tồn tại với nhiều chiêu trò biến tướng, giả danh để xin ăn làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của thành phố.

Những đối tượng thu gom theo đề án gồm: người có hành vi xin tiền, xin thức ăn; đi xin ăn dưới hình thức đàn hát, giả danh tu sĩ khất thực, giả danh cơ nhỡ; người vừa đánh giày, bán hàng rong… vừa kết hợp xin ăn; người có dấu hiệu tâm thần lang thang trên đường phố; những đối tượng có nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội như: không có nghề nghiệp, nhà cửa, sống lang thang, người bỏ nhà đi sống lang thang, ngủ ở nơi công cộng…
Trước thực trạng này, thành phố đã xây dựng Đề án thực hiện mục tiêu không có người lang thang xin ăn trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2020. Để triển khai có hiệu quả đề án, bên cạnh sự phản ứng nhanh của Đội 524, thành phố còn chỉ đạo UBND các xã, phường thường xuyên tổ chức rà soát tại địa bàn, kịp thời phát hiện người lang thang xin ăn để xử lý. Chính quyền còn khuyến khích người dân thông báo tình trạng người lang thang xin ăn qua đường dây nóng của Đội 524 hoặc UBND xã, phường nơi gần nhất. Thành phố sẽ hỗ trợ 100.000 đồng/tin cho người dân đầu tiên báo tin đúng và chính xác đối tượng.

Bên cạnh giải pháp tổ chức tập trung, thành phố còn tăng cường tuyên truyền đến người dân về tác hại của tình trạng lang thang xin ăn và biện pháp giải quyết; Công an thành phố tăng cường quản lý hành chính, hộ khẩu trên địa bàn, nhất là những nơi có nhiều người lang thang xin ăn đến cư trú. Đặc biệt, quản lý chặt các nhà trọ, vận động các chủ nhà trọ không để người lang thang xin ăn đến thuê trọ… Ngoài ra, quan tâm đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lang thang xin ăn còn sức lao động sau khi trở về, tránh tình trạng tái lang thang xin ăn; xử lý nghiêm đối với các hành vi chăn dắt, xúi giục người lang thang xin ăn dưới mọi hình thức… Qua đó, phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu của đề án đến năm 2020, 100% xã, phường trên địa bàn thành phố không có người lang thang xin ăn. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 7,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 5 tỷ đồng, ngân sách TP. Nha Trang hơn 2,7 tỷ đồng.

Minh Thiết



Hòa thượng Thích Trí Viên - Phó Trưởng ban Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh: Người dân nên làm từ thiện ở những địa chỉ rõ ràng

Chúng tôi rất đồng tình việc TP. Nha Trang thực hiện thu gom người lang thang xin ăn. Hoạt động này sẽ góp phần đem lại mỹ quan đô thị và sự thanh tịnh nơi cửa chùa. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này, chính quyền thành phố cần vào cuộc quyết liệt, triệt để, tránh việc tổ chức thực hiện theo hình thức phong trào. Qua đây, tôi mong muốn người dân, phật tử nên thể hiện hành động từ thiện, giúp đỡ những người yếu thế tại những địa chỉ rõ ràng như: các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà nuôi dưỡng tập trung…


Ông Chu Văn Công - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh: Cần đầu tư cho cơ sở tiếp nhận

Qua thống kê, chúng tôi phát hiện có nhiều người lang thang xin ăn ra, vào trung tâm tới hơn 20 lần. Điều đó cho thấy, trách nhiệm quản lý đối tượng của địa phương còn lỏng lẻo. Do đó, địa phương cần nâng cao trách nhiệm quản lý đối tượng sau khi trung tâm trả về, tránh tình trạng tái lang thang xin ăn.

Hiện nay, khu nhà nuôi dưỡng người lang thang xin ăn tại trung tâm đã xuống cấp nghiêm trọng và quá chật hẹp, chỉ tiếp nhận tối đa 30 người, nhưng đang nuôi hơn 90 người, gây nên tình trạng quá tải. Vì vậy, để việc tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc người lang thang xin ăn được đảm bảo, chúng tôi rất mong các cấp, ngành hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho trung tâm; bổ sung thêm cán bộ, nhân viên cho đơn vị…


Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa: Góp phần đem lại môi trường du lịch trong sạch

Theo tôi, việc TP. Nha Trang quyết liệt xử lý tình trạng lang thang xin ăn là điều cần thiết để góp phần làm cho môi trường du lịch Nha Trang được trong sạch hơn, tránh được những hình ảnh gây phản cảm đối với du khách. Hiệp hội sẽ tăng cường tuyên truyền cho các doanh nghiệp du lịch về nội dung, chủ trương của đề án này, để mỗi doanh nghiệp hiểu hơn và có những việc làm thiết thực như: phổ biến cho nhân viên cách nhận diện đối tượng lang thang xin ăn; cách thức để báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện đối tượng; tuyên truyền cho khách du lịch không nên cho tiền đối tượng lang thang xin ăn.

NHÂN TÂM (Ghi)



Ông Hoàng Công Trung - người dân phường Phước Long, TP. Nha Trang: Tôi cảm thấy khó xử mỗi khi gặp người lang thang xin ăn

Gia đình tôi thường đi chùa, tham quan… nên gặp rất nhiều người lang thang xin ăn vây quanh. Đa số họ là trẻ em và người già. Ban đầu, họ mời mua nhang, trái cây... nhưng sau đó lại ngửa mũ xin tiền, khiến tôi rất ái ngại và khó xử. Bởi vì, khi tôi cho tiền một người thì có thêm nhiều người khác kéo đến xin. Tôi rất đồng tình, ủng hộ việc TP. Nha Trang triển khai thu gom người lang thang xin ăn.

PHÚ VINH (Ghi)



Bà Lê Thị Thu Huyền - du khách đến từ Hà Nội: Nha Trang cần quyết liệt dẹp nạn lang thang xin ăn

Những lần tôi đi du lịch ở Nha Trang đều bắt gặp cảnh người lang thang xin ăn đeo bám xin tiền. Họ xuất hiện nhiều nhất ở chùa Long Sơn và các quán ăn hải sản. Chính sự đeo bám của họ làm chúng tôi cảm thấy không được thoải mái. Đây là hình ảnh không đẹp của một thành phố du lịch. Do đó, Nha Trang cần quyết liệt dẹp nạn lang thang xin ăn.

VĂN NGUYỄN (Ghi)
Previous Post
Next Post