Biển Bãi Dài là bãi biển đẹp nhất Việt Nam

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Chuyến bay thẳng Nha Trang - Hồng Kông sắp ra mắt
Hãng hàng không giá rẻ HK Express đang chuẩn bị những bước cuối cùng để khởi động các chuyến bay thẳng mới từ Nha Trang đến Hồng Kông trong tháng 11.

HK Express là hãng hàng không dẫn đầu về giá đầu tiên giữa Nha Trang và Hồng Kông, HK Express sẽ khởi động đường bay mới với mức giá chỉ từ 7 USD và khởi hành hai lần/tuần vào thứ Tư và Chủ nhật, bắt đầu từ tháng 11.

Ông Andrew Cowen, Quản lý và Giám đốc điều hành của HK Express cho biết: HK Express là hãng hàng không đăng ký Thẩm định An toàn vận hành IOSA từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA, do đó tuân thủ và đáp ứng các tiêu chuẩn IOSA. Hãng cũng được đánh giá “an toàn 7 sao” - thứ hạng cao nhất có thể, và được công nhận là 1 trong 10 hãng hàng không giá rẻ an toàn nhất thế giới từ airlineratings.com - một nhóm nghiên cứu công nghiệp hàng không độc lập.

Được biết, vào tháng 4-2015, HK Express đã chào đón chuyến bay đầu tiên mang mã hiệu UO1558 chở theo gần 200 hành khách và phi hành đoàn đã đáp xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Việc mở đường bay giữa Hồng Kông và Đà Nẵng là bước tiền đề, mở ra nhiều triển vọng mới khai thác lượng khách đi lại giữa hai quốc gia.

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Đẩy nanh tiến độ các dự án tại Bắc bán đảo Cam Ranh
Cần đẩy nhanh để kịp tiến độ và kịp phục vụ nhu cầu của khách du lịch, không thể chậm trễ như nhều năm nay nữa.
Hiện nay đã có một số công trình đi vào hoạt động, song nhiều dự án vẫn còn chậm trễ tiến độ, vì thế phải cần đấy nhanh tiến độ theo yêu cầu của UBND tỉnh Khánh Hòa. Những dự án nào chậm trễ, vi phạm cam kết sẽ bị đề nghị lên UBND tỉnh xử lý.
Nhiều công trình đã đi vào hoạt động


VINPEARL Bãi Dài đang thi công hàng loạt biệt thự

Đẩy nhanh tiến độ
Hiện nay, tại KDL Bắc bán đảo Cam Ranh, dự án Vinpearl Bãi Dài của Công ty TNHH Vinpearl Bãi Dài rộng 22,8ha đang được thi công rầm rộ với hàng chục căn biệt thự mọc lên. Theo lãnh đạo Ban quản lý KDL Bắc bán đảo Cam Ranh, dự án này mới được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 ngày 16-3, quyết định giao đất và cho thuê đất ngày 21-3, nhưng đến nay, nhà đầu tư đã cơ bản hoàn thành san lấp mặt bằng, đang triển khai thi công 190 căn biệt thự 1 và 2 tầng theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Dự kiến, tổng trị giá khối lượng nhà đầu tư đã thực hiện khoảng 200 tỷ đồng. 

Dự án KDL Đỉnh Vàng Cam Ranh của Công ty TNHH Đỉnh Vàng Cam Ranh cũng đang tích cực triển khai thi công để đưa giai đoạn 1 đi vào hoạt động. Cụ thể, trên diện tích 13ha, nhà đầu tư đã hoàn thành khách sạn 14 tầng, cụm 8 bungalow, 2 hồ bơi, trồng cây xanh cải tạo cảnh quan và các khu phụ trợ khác. Tổng trị giá đầu tư vào dự án ước khoảng 350 tỷ đồng, đạt 34,5% tổng vốn đầu tư. Theo cam kết, dự kiến tháng 12-2016, nhà đầu tư sẽ hoàn thiện thủ tục để được cấp phép xây dựng các hạng mục còn lại; từ năm 2017 - 2018 sẽ triển khai thi công và đưa vào khai thác. Cạnh đó, KDL nghỉ dưỡng Biển Đông của Công ty Cổ phần Du lịch và dịch vụ hàng không Biển Đông đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ; toàn bộ hơn 10ha đất đã được công ty xây dựng 10 bungalow 2 tầng, 20 bungalow đôi, 6 bungalow đơn, 13 pool villa, 12 hill Villa, 1 building hotel với tổng cộng 237 phòng. Hầu hết các phòng của khối bungalow đã hoàn thành xong nội thất, đang trong giai đoạn kiểm tra để vận hành thử; hạ tầng giao thông nội bộ cũng đã hoàn thiện 2/3 khối lượng. Tổng trị giá đầu tư khu nghỉ dưỡng khoảng 429 tỷ đồng. Chủ đầu tư đang tích cực hoàn thiện các hạng mục còn lại để cuối năm nay dự án đi vào hoạt động.


Ông Nguyễn Ngọc Loan - Giám đốc Ban quản lý KDL Bắc bán đảo Cam Ranh cho biết, nhiều dự án tại đây đang tích cực triển khai để sớm đi vào hoạt động, như: Khu nghỉ dưỡng cao cấp Duyên Hà, Fusion Maia Nha Trang Resort… Nhờ nhiều nhà đầu tư tích cực triển khai mà bộ mặt khu vực này đã có nhiều thay đổi.
Vẫn còn nhà đầu tư chậm tiến độ

Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý KDL Bắc bán đảo Cam Ranh, hiện nay, vẫn còn một số nhà đầu tư vi phạm tiến độ, ảnh hưởng đến tình hình chung tại đây. Cụ thể, dự án KDL Sài Gòn - Cam Ranh Resort của Công ty Cổ phần Sài Gòn - Cam Ranh đã vi phạm tiến độ quy định. UBND tỉnh yêu cầu công ty này hoàn thành cấp phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các căn biệt thự trước ngày 30-3-2016; hoàn thành xây dựng 40 căn biệt thự và hạ tầng kỹ thuật trước ngày 30-6-2016. Tuy nhiên, đến nay, nhà đầu tư mới chỉ làm nền móng của 6 căn biệt thự đôi và đang hoàn thiện phần thô của 1 căn biệt thự khác. Dự án Sân gofl và biệt thự sinh thái Cam Ranh của Công ty Cổ phần Đầu tư dầu khí Nha Trang cũng đã làm xong phần san nền khu resort, khách sạn, hoàn thành hệ thống cấp điện khu vực thi công giai đoạn 1 rồi dừng thi công từ cuối năm 2012 đến nay. Sau khi Ban quản lý KDL Bắc bán đảo Cam Ranh yêu cầu, công ty đã có văn bản cam kết và đề nghị được UBND tỉnh cho phép giãn tiến độ thực hiện dự án đến quý II/2016. Tuy nhiên, đến nay, công ty vẫn chưa có kế hoạch triển khai thi công tiếp.

Cách đó không xa, Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Flower của Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài mặc dù được cấp giấy chứng nhận lần đầu từ năm 2012, nhưng nhà đầu tư có đến 5 lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư và đến giữa năm 2015 mới hoàn thiện giấy phép xây dựng cho toàn bộ dự án. Đến nay, công ty mới chỉ san nền, làm đường giao thông nội bộ và thi công phần sàn và khung cho 7 căn biệt thự. Đầu năm nay, công ty có làm văn bản cam kết tiến độ trong năm 2016 sẽ thi công các hạng mục khách sạn, bungalow để hoạt động vào cuối năm 2017, nhưng từ tháng 3, công trình lại ngừng thi công. Các dự án chậm tiến độ, vi phạm cam kết đều được Ban quản lý KDL Bắc bán đảo Cam Ranh báo cáo chi tiết cho UBND tỉnh, đề nghị kiểm tra và xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Ngọc Loan cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, cuối năm 2015, Ban quản lý KDL Bắc bán đảo Cam Ranh đã mời Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Xây dựng cùng làm việc với các nhà đầu tư để nghe báo cáo tình hình thực hiện các dự án và hướng dẫn nhà đầu tư lập cam kết tiến độ triển khai dự án trong thời gian tới. Sau buổi làm việc, đến đầu năm 2016, hầu hết các nhà đầu tư đều có văn bản cam kết về kế hoạch hoàn thành công việc theo từng giai đoạn, chốt thời hạn đưa công trình đi vào hoạt động. Căn cứ vào các văn bản cam kết này, Ban quản lý  KDL Bắc bán đảo Cam Ranh sẽ thường xuyên kiểm tra, đối chiếu tiến độ cam kết với tiến độ thực tế của dự án; nếu nhà đầu tư chậm tiến độ sẽ báo cáo cho UBND tỉnh xử lý theo quy định.

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Tàu chở khách siết chặt nội quy
Đúng là một sự việc tưởng chừng đơn giản, mà rất qua trọng. Trước kia có nhiều hành khách không chịu mang vì nóng nực và chủ quan, Và cũng một phần THIẾU quy định rõ ràng khi di chuyển phương tiện đường thủy. Giờ thì thấy nơi khác gặp sự cố\, rồi mới bắt đầu lo sợ, cảnh tỉnh. 
Mong sẽ là thói quen của người dân và quy đinh bắt buộc của những chủ phương tiện tàu thuyền.
Sự cố lật tàu tại Đà Nẵng vừa qua gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan quản lý nhà nước về công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa. Tại Khánh Hòa, các cơ quan chức năng đã tăng cường một số biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu.

Tàu du lịch ở cảng Cầu Đá.
Tàu du lịch ở cảng Cầu Đá.

Du khách thận trọng hơn

Sáng 9-6, có mặt tại Bến tàu du lịch Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang), chúng tôi thấy hoạt động du lịch đường thủy vẫn diễn ra tấp nập. Số lượng khách đoàn tham gia các tour biển đảo rất đông, gồm cả khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khác hẳn với thường lệ, trước khi tham gia tour, du khách thường lựa chọn rất kỹ phương tiện mà mình sử dụng. Bà Trần Ánh Linh (du khách đến từ Hà Nội) cho biết: “Thực sự sau khi xảy ra vụ lật tàu ở Đà Nẵng, tôi cảm thấy có chút lo lắng khi tham ra tour biển đảo. Trước đây, mỗi lần đến Nha Trang tôi đều đi chơi ở các đảo mà không hề để ý đến vấn đề an toàn. Thậm chí khi được phát áo phao nhiều người còn không mặc, chỉ để bên cạnh đối phó là chính. Nhưng những gì vừa xảy ra khiến tôi phải chú ý nhiều đến chất lượng của phương tiện vận chuyển cũng như điều kiện an toàn cho bản thân. Tàu nào cảm thấy không yên tâm dứt khoát không đi”.

Theo quan sát của chúng tôi, các tàu có sức chứa khoảng 40 người là phương tiện được du khách lựa chọn nhiều nhất. Các tàu nhỏ, sức chứa dưới 20 chỗ ngồi, rất ít người đi. Anh Phùng Gia Minh (hướng dẫn viên Công ty Du lịch T&H) giải thích: “Sở dĩ khách thường chọn tàu lớn để đi chơi là bởi họ vẫn còn bị ám ảnh sự cố lật tàu vừa qua ở sông Hàn. Trong các đoàn mà tôi dẫn, hầu như đoàn nào cũng chỉ chấp nhận tham gia tour khi đi trên các tàu lớn. Họ sợ đi tàu nhỏ, ra biển sóng lớn sẽ không đảm bảo an toàn. Trong mấy ngày vừa qua, đã có nhiều đoàn hủy tour vì không có tàu lớn, mặc dù đoàn của họ chỉ khoảng hơn 20 người”. Bên cạnh đó, khác với tình trạng thường thấy, trước khi tàu rời bến, du khách thường chủ động yêu cầu chủ phương tiện cung cấp ao phao. Khi có áo phao, các thành viên trên tàu đều mặc và cài khóa an toàn cẩn thận, không cởi ra trong suốt hành trình. Một số tàu khi đưa áo phao cũ ra đã bị du khách từ chối và họ yêu cầu phải cung cấp áo mới để đảm bảo an toàn.

Khảo sát một số cảng khác trên địa bàn toàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy ý thức về an toàn khi tham gia giao thông đường thủy của du khách cũng rất cao. Đồng thời, công tác quản lý các phương tiện được giám sát khá nghiêm ngặt. Các tàu trước khi xuất bến đều có sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Tại bến tàu ở thị trấn Vạn Giã, dù hoạt động của tàu du lịch chỉ xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây, song vấn đề đảm bảo an toàn rất được chú trọng. Các tàu, ca nô đều tuân thủ số lượng người cho phép trên phương tiện. Trước khi rời bến và trong suốt hành trình, du khách được yêu cầu mặc áo phao nghiêm túc. Ông Nguyễn Vĩnh Huy (thuyền trưởng tàu du lịch LĐ) cho hay: “Lâu nay, cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ việc vận chuyển khách của các tàu du lịch, nhưng sau sự cố lật tàu ở Đà Nẵng, việc giám sát càng nghiêm ngặt hơn. Tất cả những tàu không tuân thủ về điều kiện an toàn cho du khách đều bị nhắc nhở hoặc xử lý. Bản thân khách du lịch họ cũng yêu cầu rất cao. Tàu nào chở nhiều khách là họ không chịu đi. Ca nô của chúng tôi được phép chở 20 người nhưng chỉ chở khoảng 15 khách”.

Kiểm tra chặt chẽ tại bến tàu

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khá nhiều bến thủy nội địa, số lượng phương tiện tham gia giao thông đường thủy khá lớn, đa dạng với khoảng 700 phương tiện là tàu du lịch, tàu chở khách; riêng Bến tàu du lịch Cầu Đá có hơn 300 phương tiện.
Hành khách chấp hành tốt việc mặc áo phao trước khi tàu rời bến.
Hành khách chấp hành tốt việc mặc áo phao trước khi tàu rời bến.
Ông Trần Đức Thi - Phó Giám đốc Cảng vụ Nha Trang cho biết, hiện đang là cao điểm mùa hè, lượng người đi tàu du lịch biển, đảo nhiều. Mỗi ngày, cảng vụ cấp giấy xuất bến cho từ 150 đến 300 chuyến. Có thời điểm, bến tàu tập trung hơn 3.000 người. Để đảm bảo công tác an toàn chạy tàu, an toàn cho du khách, cảng vụ bố trí nhân viên xuống từng tàu khảo sát, kiểm tra tại thời điểm tàu chuẩn bị lưu thông. Theo đó, phương tiện phải đảm bảo an toàn, có đủ phương tiện cứu hộ, đặc biệt là bè nổi; trọng tải cho phép chở; bằng cấp của lái tàu, thuyền viên... Đồng thời, yêu cầu chủ tàu nhắc nhở hành khách mặc áo phao khi đi trên biển để đảm bảo an toàn. “Các tàu trước khi xuất bến đều đảm bảo an toàn, đủ điều kiện tham gia giao thông. Chúng tôi nhất quyết không cho tàu xuất bến khi không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật”, ông Thi khẳng định.

Trong khi đó, Thượng tá Dương Hồng Thái - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy nội địa, Công an tỉnh cho biết: “Chúng tôi không chỉ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm mà còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên và người dân. Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy nào, trật tự ATGT đường thủy ngày càng được đảm bảo”.

Quản lý chặt hoạt động chở khách du lịch

Theo ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), từ tháng 4-2015, Bộ GTVT có quyết định giao thí điểm cho Cảng vụ Nha Trang quản lý hoạt động thủy nội địa trong vùng nước cảng biển. Tuy nhiên, công tác đăng ký vẫn do sở thực hiện.

Ông Võ Duy Quý - Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5 (Cục Đăng kiểm Việt Nam): Trong hơn 300 tàu chở khách tại Bến tàu du lịch Cầu Đá thì có hơn 100 tàu vỏ gỗ. Theo quy định mới của Chính phủ, các tàu này sẽ hết hạn vào năm 2022. Ngay tại thời điểm đăng kiểm, các tàu đều đảm bảo kỹ thuật mới được cấp phép chứng nhận. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số phương tiện bỏ đăng kiểm 3, 4 năm, hoặc chủ tàu bán cho người khác, gây khó khăn trong công tác đăng kiểm. Bên cạnh đó, vẫn còn một số chủ tàu không chịu đăng kiểm và lấy lý do không tham gia giao thông. Các trường hợp này, chúng tôi không thể bắt ép chủ phương tiện đi đăng kiểm được. 10 năm trở lại đây, tại tỉnh Khánh Hòa không có tàu cá hoán cải thành tàu chở khách, tàu du lịch.
Nhằm nâng cao hoạt động quản lý phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch, từ tháng 3-2016, Bộ GTVT và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn về cấp biển hiệu phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-5-2015, tuy nhiên do còn vướng mắc về thủ tục hành chính nên chưa được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Vừa qua, sở đã thành lập đoàn kiểm tra hơn 20 doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách đường thủy nội địa; trong đó có kiểm tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh để cấp biển hiệu phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch. Qua kiểm tra, tất cả các phương tiện đều đảm bảo chở khách, có đầy đủ điều kiện an toàn theo đăng kiểm. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chưa đảm bảo đầy đủ theo Nghị định 110 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2015 như: phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông; phương tiện chở khách du lịch cần phải được cấp biển hiệu riêng… Theo lộ trình tới ngày 31-12-2016 mới thực hiện, vì vậy đoàn đã nhắc nhở và yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện.

Hiện nay, tại Khánh Hòa còn có loại hình tour du lịch 4 đảo và tour du lịch biển đêm của các tàu của Hoàng Đế Du Thuyền, Nhật Minh… với khoảng 10 tàu thuộc đối tượng cấp biển hiệu phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch. Hiện nay, Sở GTVT và Sở Du lịch đang phối hợp đôn đốc các doanh nghiệp hoàn thiện các bước để đủ điều kiện cấp biển hiệu. Sau thời gian quy định, các doanh nghiệp nếu không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị ngừng hoạt động. Riêng các phương tiện chỉ vận chuyển khách du lịch từ bờ ra đảo, Sở GTVT chỉ cấp phép vận chuyển khách thủy nội địa tuyến cố định, không bắt buộc đăng ký phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch. Tuy nhiên, các phương tiện này cũng phải đáp ứng điều kiện vận chuyển khách.

Ông Dần cho biết thêm, sau khi xảy ra vụ lật tàu ở Đà Nẵng, công tác kiểm tra, giám sát vấn đề giao thông đường thủy trên địa bàn Khánh Hòa được tăng cường và siết chặt hơn nữa. Chiều 10-6, sở mời tất cả các đơn vị hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh để quán triệt, triển khai tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động và các phương tiện trong lĩnh vực này.
Báo Khánh Hòa online

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Mô hình tiết kiệm nước cho bà con trồng xoài
Để đối phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt ngày càng gia tăng, nông dân huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tìm hướng tưới nước tiết kiệm cho cây xoài.
Ông Lạt giới thiệu hệ thống tưới nhỏ giọt tại vườn xoài.
Ông Lạt giới thiệu hệ thống tưới nhỏ giọt tại vườn xoài.
4 năm trước, ông Nguyễn Bá Lạt (thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam) mua 2ha đất rẫy ở thôn Tân Lập, xã Cam Thành Bắc để trồng xoài. Để chủ động nguồn nước tưới, ông Lạt bỏ ra 50 triệu đồng đào giếng và áp dụng phương pháp tưới xoay. Trên diện tích 2ha, ông đầu tư hơn 27.000m ống, chi phí khoảng 80 triệu đồng. Do phương pháp này đòi hỏi mỗi giờ tưới 8m3 và tưới luân phiên từng ô đất (chia 10 ô), đều đặn 8 giờ/ngày nên ông phải huy động nhân công liên tục; lượng tiêu thụ điện năng cũng nhiều. Ước tính, năm đầu tiên, ông Lạt đầu tư tổng cộng hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đến năm 2015, khi ông mở rộng quy mô lên 4ha thì giếng không đủ cung cấp nước tưới theo phương pháp này. 
Cuối tháng 11-2015, được Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh (đại diện Netafim của Israel tại Việt Nam) giới thiệu, ông Lạt đã áp dụng tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ của Israrel. Trên diện tích 4ha, ông đầu tư 124 triệu đồng cho đường ống, dây dẫn và công lắp đặt ống. Hệ thống đường ống được lắp đặt nhỏ dần, tới gốc xoài chỉ còn ống dây nhỏ đặt vòng quanh cách gốc 1m, đều đặn rỉ từng giọt nước. Nhờ 1 tổ hợp đầu não của bộ phận tưới, được tích hợp qua điện thoại cảm ứng có kết nối wifi, ông Lạt dễ dàng kích hoạt hệ thống tưới dù ở bất cứ nơi đâu. Chế độ cài đặt cũng cho phép ông Lạt tùy chỉnh vùng tưới, lượng nước và giờ tưới phù hợp với giai đoạn tăng trưởng của cây. Ông Lạt cho biết, tưới nhỏ giọt chỉ cần 1/3 đến 1/4 lượng nước tưới trực tiếp vào gốc bằng vòi. Nếu trước đây, giếng nước của nhà ông chỉ đủ cung cấp cho 2 - 3ha xoài thì với công nghệ tưới nhỏ giọt có thể tưới được 12ha mà cây vẫn tăng trưởng tốt. Nhưng quan trọng nhất là hiệu quả thu hoạch, trái xoài lớn hơn và không bị rám nắng như khi tưới xoay. Vụ xoài năm 2015, với 8 sào đầu tiên cho trái, ông Lạt thu 12 tấn, tương đương 420 triệu đồng. Ông đang áp dụng kỹ thuật ra quả trái vụ, dự kiến cuối năm nay, với diện tích cho thu hoạch tăng lên 2,6ha, sản lượng sẽ cao hơn.     
Ông Phan Quang Mai (thôn Tân Xương 1, xã Suối Cát) cũng áp dụng công nghệ này trên cơ sở cải tiến cho phù hợp với quy mô 1,2ha vườn xoài Úc. Cùng với xây bể nước 12m3, ông bố trí hệ thống đường ống nhỏ dần, khi đến từng gốc xoài là những ống nhỏ đục lỗ để nước chảy nhỏ giọt. Tính ra, cứ 1.000m2 đất chỉ cần đầu tư 3,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Lai - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, mô hình tưới nước nhỏ giọt trên cây xoài được Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh thí điểm đầu tiên tại hộ ông Nguyễn Bá Lạt. Sau hơn 3 tháng lắp đặt, vườn xoài của ông Lạt đã phát triển tốt. Công nghệ này có ưu điểm là kiểm soát được độ ẩm, chủ động thời gian tưới, đặc biệt tiết kiệm được khoảng 50% lượng nước, 80% công tưới so với tưới trực tiếp vào gốc. Công nghệ này bắt đầu được một số nông dân trong huyện quan tâm tìm hiểu, áp dụng trên cơ sở cải tiến cho phù hợp với quy mô. Tháng 4-2016, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp tổ chức hội thảo giới thiệu công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel cho hơn 50 hộ trồng xoài, sau đó mọi người tham quan trực tiếp quy trình vận hành công nghệ tại nhà ông Lạt. 
Hiện nay, huyện Cam Lâm đang khởi động phần thủ tục dự án tưới tiết kiệm nước cho vùng xoài chuyên canh ở quy mô huyện, dự kiến thí điểm tại 3 địa phương: Cam Hải Tây, Cam Đức, Cam Thành Bắc.
BaoKhanhHoa onlne

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Người đã từng chống dự án thép để bảo vệ môi trường tại Đầm Môn - Nha Trang
Một người có tâm, có tầm nhìn và có cả tinh thần THÉP, một mình chống lại những quan điểm đối lập, dứt khoát không vì số tiền đầu tư "khủng".
Những ngày qua, nhiều người gọi điện thoại bày tỏ xung quanh câu chuyện môi trường biển bị ô nhiễm với hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh Trung Trung Bộ với ông Phạm Văn Chi (ảnh), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Vịnh đẹp như thế, làm thép thì còn gì môi trường

Nhiều người nhớ đến ông Chi lúc này bởi ông là người đã quyết liệt, kiên trì đấu tranh loại dự án nhà máy thép có công suất, vốn đầu tư “khủng” ra khỏi khu vực Đầm Môn, vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cách đây chín năm với các nguy cơ môi trường có thể dẫn đến từ nó. Lúc đó, ông Chi đã rời cương vị chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhưng là người có tiếng nói mạnh mẽ nhất phản đối dự án nhà máy thép của Posco (Hàn Quốc), với mức đầu tư dự kiến cả chục tỉ USD.
Giá trị việc làm của ông Chi ngày càng hiện hữu, nhất là khi người ta liên tưởng đến hiện tượng cá biển chết hàng loạt đang đặt ra nghi vấn có liên quan đến hoạt động nhà máy thép của Công ty Formosa tại Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Theo hồ sơ, giữa năm 2007, Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đề xuất dự án đầu tư nhà máy thép liên hợp tại vịnh Vân Phong có tổng mức đầu tư đến 11,5 tỉ USD, được xem là dự án lớn nhất Việt Nam về sản xuất thép thời điểm đó.
“Lúc đó, toàn bộ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, hầu hết các bộ, ngành trung ương, trừ Bộ TN&MT đều thống nhất đề nghị cho xúc tiến triển khai dự án nhà máy thép của Posco. Chính vì thế, tháng 1-2008, Thủ tướng cũng đã đồng ý chủ trương cho lập dự án. Nhận thấy có quá nhiều hiểm họa đối với môi trường ở một dự án sản xuất thép lớn như thế, tôi kiên quyết đấu tranh, đề nghị không chấp nhận dự án này. Tôi nói Đầm Môn đẹp như thế mà cho san lấp, làm nhà máy thép thì còn gì môi trường. Thế nhưng trong các cuộc họp của tỉnh, tôi nói hầu như không ai nghe. Ngược lại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn ra chủ trương quán triệt đến cấp chi bộ là mọi đảng viên phải có trách nhiệm ủng hộ dự án đó. Tỉnh đã cử nhiều đoàn cán bộ qua Hàn Quốc khảo sát, tham quan nhà máy thép của Posco, khi về ai cũng khen nức nở; riêng tôi dứt khoát không đi” - ông Chi nhớ lại.
Một góc vịnh Vân Phong, nơi Tập đoàn Posco đề xuất xây dựng nhà máy thép. Ảnh: TL
Là một kỹ sư chế tạo máy, ông Phạm Văn Chi lặng lẽ đi thu thập nhiều tài liệu để phân tích, chỉ rõ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ đại dự án trên.
“Tôi biết rằng công nghiệp luyện gang thép là ngành công nghiệp có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên quy mô rất lớn. Tôi không nói vo mà có cơ sở khoa học, phân tích các thông số cụ thể của các phản ứng hóa học trong quá trình sản xuất thép. Với công suất 15 triệu tấn thép mỗi năm của dự án phải dùng bao nhiêu tấn quặng, bao nhiêu tấn than, tiêu thụ bao nhiêu ôxy, rồi thải ra bao nhiêu tấn xỉ than cùng những độc tố nào… Tôi tính toán và biết rằng mỗi năm nhà máy này thải ra hàng triệu tấn chất thải công nghiệp, phần lớn là độc hại. Với lượng chất thải như vậy, không chỉ môi trường vùng biển Khánh Hòa mà cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ sẽ bị tàn phá” - ông Chi nói.
Của để dành cho con cháu mai sau
Bản kiến nghị với những phân tích thuyết phục của ông Chi được gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng cùng các bộ, ngành trung ương.
Sau khi nhận bản kiến nghị này, trung ương đã yêu cầu tổ chức hội thảo để xem xét lại dự án. Trả lời báo chí sau đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó chỉ rõ: “Cần phải có tầm nhìn dài hạn hơn trước những công trình thế kỷ như ở Vân Phong. Dự trữ tài sản của một quốc gia không chỉ là tiền bạc mà còn là đất đai, các tài nguyên thiên nhiên, lợi thế tự nhiên khác. Đó là của để dành cho con cháu chúng ta mai sau”.
Kiến nghị của ông Chi cũng nhận được sự ủng hộ của Bộ TN&MT, nhất là khi Tập đoàn Posco khi ấy chưa đưa ra được giải pháp xử lý môi trường triệt để.
Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa hồi tháng 7-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý đây là dự án liên quan đến vấn đề môi trường nên phải cực kỳ quan tâm, tỉnh Khánh Hòa phải đảm bảo môi trường sạch để phát triển bền vững. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Ưu tiên số một cho việc xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong và bảo vệ môi trường là hai vấn đề không gì đánh đổi được.
Một tháng sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức không chấp thuận dự án đầu tư nhà máy thép của Posco tại vịnh Vân Phong. “Tôi nghĩ mình đã làm một việc để sau này không bị con cháu oán hận” - ông Chi chia sẻ.
Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt
Việc không cho đầu tư dự án nhà máy thép của Posco là hợp lý vì dự án không đánh giá, đảm bảo được môi trường chiến lược vịnh Vân Phong. Điều đó cho thấy chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế trước mắt. Đối với Khánh Hòa, việc bảo vệ môi trường ven biển là quan trọng nhất nhằm đảm bảo phát triển bền vững du lịch, dịch vụ. Do đó, các dự án đều được kiểm soát, giám sát rất chặt về môi trường.
Ông VÕ TẤN THÁIGiám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa

Báo pháp luật TPHCM online.

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Riviera chính thức đi vào hoạt động tại Cam Lâm
Ngày 1-4, Công ty TNHH Cam Ranh Riviera Beach Resort đã chính thức đưa vào hoạt động khu nghỉ dưỡng mang tên Cam Ranh Riviera tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (Huyện Cam Lâm)

Một góc khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Riviera.
Một góc khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Riviera.

Cam Ranh Riviera trải dài trong khuôn viên gần 10 ha với hơn 200 mét bãi biển, khách sạn được xây dựng theo tiêu chuẩn 5 sao với 226 căn biệt thự và phòng nghỉ cao cấp. Công suất tối đa của khu nghỉ dưỡng có thể đón 600 đến 700 khách/ngày. Tổng mức kinh phí đầu tư khu nghỉ dưỡng hơn 600 tỉ đồng. Kiến trúc của khu nghỉ mang đậm phong cách hiện đại của châu Âu, nơi đây cung cấp các tiện nghi theo tiêu chuẩn quốc tế và là điểm dừng chân lý tưởng cho những du khách muốn tìm kiếm sự thư giãn và yên bình tuyệt đối.

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Cảng Quốc tế Cam Ranh chính thức hoạt động

Sau 1 năm khởi công xây dựng, dự án Cảng Quốc tế Cam Ranh do Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh đầu tư và trực tiếp quản lý đã hoàn thành giai đoạn 1 và chính thức đi vào hoạt động. Phóng viên Báo Khánh Hòa có cuộc trao đổi với Đại tá Uông Xuân Phúc Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh xung quanh vấn đề này.


- Việc xây dựng và đưa vào khai thác Cảng Quốc tế Cam Ranh có vai trò, ý nghĩa gì, thưa ông?

- Cảng Quốc tế Cam Ranh ra đời sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và phát triển kinh tế của cả nước; đồng thời, khẳng định sự đúng đắn về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội và Quân chủng Hải quân trong phát triển cảng biển, góp phần hội nhập quốc tế về lĩnh vực cảng biển của Việt Nam.

Căn cứ quân sự Cam Ranh có vị trí chiến lược bao quát toàn bộ khu vực Biển Đông, là vị trí tiếp cận gần nhất các tuyến hàng hải quốc tế và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các khu vực dầu khí tại thềm lục địa phía đông - nam Việt Nam. Với vị trí địa lý nằm trong vịnh Cam Ranh kín sóng, kín gió, vùng nước rộng, độ sâu ổn định trên 20m nước, khu vực ít chịu ảnh hưởng của giông bão, địa chất phù hợp cho việc xây dựng các cầu cảng tiếp nhận các tàu quân sự, dân sự cỡ lớn như: tàu sân bay có tải trọng 110.000DWT (dead weight tonnage), tàu khách có dung tích 100.000GRT (gross tonage) và sửa chữa, đóng mới các công trình biển như giàn khoan đến 200m nước.

Chính những điều kiện thuận lợi đó tạo cho Cảng Quốc tế Cam Ranh thực hiện được đa dạng hóa các lĩnh vực. Cảng có thể đón tiếp các loại tàu quân sự, tàu khách quốc tế; đồng thời cung cấp dịch vụ hàng hải tại Căn cứ quân sự Cam Ranh; tăng cường quan hệ với các lực lượng hải quân quốc tế, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; bảo đảm đồng bộ cho các tàu hoạt động, sẵn sàng chiến đấu; góp phần xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định.

- Cảng Quốc tế Cam Ranh sau khi hoàn thành sẽ có quy mô như thế nào, thưa ông?

- Hiện tại, dự án Cảng Quốc tế Cam Ranh mới hoàn thành giai đoạn 1. Trước mắt, chúng tôi tập trung khai thác 3 lĩnh vực: cung ứng dịch vụ hàng hải cho tàu quân sự, tàu du lịch; sửa chữa đầu bến và cung cấp dịch vụ du lịch cho thủy thủ đoàn, du khách.

Cảng Quốc tế Cam Ranh nhìn từ trên cao
Cảng Quốc tế Cam Ranh nhìn từ trên cao

Cảng Quốc tế Cam Ranh sau khi hoàn thành sẽ là một trong các cảng lớn nhất của Việt Nam tính theo chiều dài bến cập tàu, với tải trọng tàu tối đa đến 110.000DWT, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8.

Cảng được chia làm 2 nhóm công trình: thủy công và trên bờ. Trong đó, nhóm công trình thủy công gồm: hệ thống các cầu cảng được bố trí theo phương án bến nhô, cập tàu 2 phía để tăng cường năng lực đón tiếp tàu (bước 1, giai đoạn 1 dự án có 5 bến cập tàu dài 2.147m); nhóm công trình trên bờ gồm: hệ thống công trình dịch vụ đón tiếp và điều hành với khu nhà văn phòng, đón tiếp, ăn ca 7 tầng có diện tích xây dựng 1.040m2, diện tích sàn là 5.301m2 và công trình dịch vụ hậu cần kỹ thuật. Khu dịch vụ hậu cần hiện đại, đa dạng, rộng lớn gồm: tổng kho phân phối hàng hóa có diện tích 2.160m2, có chức năng lưu giữ, cung cấp lương thực, thực phẩm, quân trang, nhu yếu phẩm và các vật tư thiết bị đảm bảo kỹ thuật phục vụ tàu quốc tế; hệ thống đường giao thông nội bộ rộng hơn 31.000m2; bãi tập kết hàng hóa rộng hơn 26.000m2; khu thể thao; hệ thống cây xanh cảnh quan có diện tích hơn 20.000m2, phục vụ bán hàng lưu niệm, ăn uống, nghỉ dưỡng cho thủy thủ đoàn. Bên cạnh đó, cảng còn phần đất dự phòng trong khu hậu cần dịch vụ với diện tích 43.000m2, dự tính xây khu triển lãm hàng hải quốc tế.

Một góc Cảng Quốc tế Cam Ranh
Một góc Cảng Quốc tế Cam Ranh

- Xin ông cho biết định hướng phát triển Cảng Quốc tế Cam Ranh?

- Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Cảng Quốc tế Cam Ranh được xây dựng là một trong những cảng nước sâu hàng đầu của Việt Nam ở gần tuyến hàng hải quốc tế, trở thành một khu dịch vụ hàng hải và cung ứng, sửa chữa tàu biển lớn, hiện đại.

 Cảng Quốc tế Cam Ranh đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng để chúng ta khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng và lợi thế của vịnh Cam Ranh. Cảng sẽ trở thành một cơ sở hậu cần hiện đại, có uy tín, sánh ngang với các hải cảng lớn trên thế giới. Cảng được xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế để đơn vị thực sự là cảng biển chính quy, mẫu mực, an toàn, có sức hút mạnh mẽ đối với các nước và các hãng tàu lớn của nước ngoài.

Ngoài ra, Cảng Quốc tế Cam Ranh được xây dựng để phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời thực hiện đường lối đối ngoại mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước trên thế giới.

- Xin cảm ơn ông!

Báo Khánh Hòa

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Máy cuốn rơm do nông dân Diên Khánh chế tạo thành công

Để tận dụng nguồn rơm của nông dân sau mỗi mùa thu hoạch lúa, nông dân Trần Đức Mạnh (trú tại xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đã chế tạo thành công máy cuốn rơm đa năng vừa hút rơm, vừa cuốn rơm và cột rơm thành từng cuộn để dễ dàng bảo quản và vận chuyển.



Với năng suất 1 cuộn rơm/phút, mỗi ngày, chiếc máy này có thể tạo hơn 500 cuộn rơm. Máy có giá thành khoảng 50 triệu đồng, rẻ gấp 7 lần so với máy của Nhật Bản vốn không thích hợp với đồng ruộng Việt Nam, lại không gây ô nhiễm môi trường. Được biết, ông Mạnh từng chế tạo máy hốt rơm khá hiệu quả.

Vân Hằng - Báo Khánh Hòa

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Tổng doanh thu du lịch đạt gần 130 tỷ đồng dịp Festival Biển 2015
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 4 ngày diễn ra Festival Biển 2015 (từ ngày 11 đến 14-7), tổng doanh thu du lịch đạt gần 130 tỷ đồng, tăng 18% so với kỳ Festival Biển 2013.

Doanh thu du lịch tăng cao trong dịp Festival Biển 2015.
Doanh thu du lịch tăng cao trong dịp Festival Biển 2015.

Doanh thu trên chưa kể thu nhập xã hội từ du lịch như bán hàng, ăn uống, vận chuyển… Tổng lượt khách lưu trú dịp Festival Biển 2015 đạt 102.300 người (tăng 10,5% so với kỳ Festival 2013), trong đó có 9.050 khách quốc tế. Một số doanh nghiệp có các chỉ tiêu kinh doanh cao như: Vinpearl Resort Nha Trang, Vinpearl Luxury Nha Trang, Vinperl Premium, khu vui chơi và giải trí Vinpearl, khách sạn InterContinental Nha Trang, khu nghỉ mát Six Senses Hideaway Ninh Vân Bay, khu nghỉ mát Evason Ana Mandara, Mia Resort, khách sạn Novotel, khách sạn Lodge. Các khu du lịch, điểm tham quan, vui chơi giải trí có lượng khách đến cao như: Trung tâm suối khoáng nóng Nha Trang I-Resort 10.000 lượt khách; khu du lịch tắm khoáng bùn Trăm Trứng hơn 8.000 lượt khách; trung tâm du lịch suối khoáng nóng Tháp Bà 8.000 lượt…
Tỉnh sẽ tạo điều kiện cho Pegas mở thêm chuyến bay thẳng đến Khánh Hòa
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại buổi làm việc với Công ty Pegas Touristik (Nga) và các sở, ngành liên quan vào ngày 28-7.

Theo đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Pegas Touristik mở thêm chuyến bay thẳng để đưa khách du lịch từ Nga và các nước ASEAN đến Nha Trang - Khánh Hòa. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn công ty thực hiện các thủ tục cần thiết để thành lập doanh nghiệp theo đúng quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Được biết, Công ty Pegas Touristik là một trong những công ty du lịch quốc tế lớn nhất ở Nga. Trong những năm qua, công ty này đã đưa du khách Nga đến Việt Nam. Riêng tại Khánh Hòa, chuyến bay thẳng đầu tiên từ Nga đến Cam Ranh vào tháng 10-2012. Từ đó cho đến nay, công ty đã đưa khoảng 0,5 triệu khách Nga đến Nha Trang - Khánh Hòa với khoảng 6 triệu phòng đã được đặt.
Báo Khánh Hòa