Biển Bãi Dài là bãi biển đẹp nhất Việt Nam

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023

Dù lượn tô thêm sắc màu Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023

Hưởng ứng Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023, từ ngày 26-5 đến 6-6, Công ty TNHH Du lịch thể thao mạo hiểm Hòn Én tổ chức bay dù lượn có động cơ tại khu đất sân bay Nha Trang cũ.


Sáng 26-6, các huấn luyện viên của công ty đã bay biểu diễn tạo không khí sôi động cho mùa lễ hội biển của Nha Trang - Khánh Hòa. Những tấm dù nhiều sắc màu nổi bật trên nền trời xanh trong những ngày hè rực nắng là những nét tô điểm cho sức sống của du lịch xứ Trầm Hương. Một số du khách đã đến đăng ký dịch vụ bay kèm với huấn luyện viên để thu vào trong mắt nét đẹp của phố biển, vịnh biển. Được biết, sau Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023, Công ty TNHH Du lịch thể thao mạo hiểm Hòn Én sẽ tiếp tục khai thác dịch vụ bay dù lượn có động cơ tại bãi biển Công viên Thanh niên. Ngắm nhìn thành phố biển trên cao là một trải nghiệm không thể tuyệt vời hơn cho du khách đến với Nha Trang - Khánh Hoà.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận từ những chuyến bay đầu tiên sáng 26-5.










Thứ Ba, 2 tháng 5, 2023

Xã đặc biệt tại Khánh Hòa, tiếp giáp Phú Yên - Đắk Lắk

Nằm ở nơi tiếp giáp giữa ba tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên - Đắk Lắk, Ninh Sơn là một xã phía Tây Bắc thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Từ một vùng kinh tế mới với nhiều khó khăn, thử thách, Đảng bộ, chính quyền và người dân Ninh Sơn vượt qua nhiều khó khăn thử thách, từng bước vươn lên đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự đóng góp tích cực của lực lượng Công an bảo đảm ổn định  ANTT để địa phương này được công nhận là xã nông thôn mới.

Theo ông Đào Trung Hải, Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, trong hai cuộc kháng chiến, Ninh Sơn từng là căn cứ của tỉnh Khánh Hòa. Toàn xã có 1.672 hộ gia đình với 6.921 người dân, trong đó có hơn 85% sinh sống bằng nghề trồng trọt nông - lâm, nuôi cá nước ngọt và gia súc, gia cầm; phần còn lại là công nhân, tiểu thương nhỏ lẻ. Ninh Sơn có hơn 15.000ha rừng và đất rừng, chiếm 87,7% diện tích tự nhiên, đây cũng là điểm cuối trên tuyến Tỉnh lộ 7 kết nối vùng biển với miền núi Ninh Hòa. Ngoài ra, Ninh Sơn còn có hồ Đá Bàn - một công trình thủy lợi lớn và cũng là điểm đến hấp dẫn du khách.

"Trước đây, tình hình ANTT nổi cộm tình trạng trộm cắp tài sản, thanh thiếu niên tụ tập rượu bia, gây rối trật tự công cộng, đánh nhau bằng hung khí, một vài vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng đã xảy ra. Từ khi Công an chính quy được tăng cường về xã, tình hình chuyển biến tích cực, phạm pháp hình sự (PPHS) và vi phạm pháp luật (VPPL) giảm thiểu, cuộc sống vùng quê này thêm nét bình yên", Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn phấn khởi.

Trung tá Nguyễn Hữu Ngân, Trưởng Công an xã Ninh Sơn cho biết, hầu hết CBCS Công an xã này đều "trẻ tuổi đời, non tuổi nghề" nhưng phải đảm trách địa bàn rất rộng và phức tạp, có núi rừng, sông suối, kênh mương. Để hoàn thành nhiệm vụ được phân công, hơn 3 năm qua lực lượng Công an xã thường xuyên rà soát, phân loại các đối tượng chính trị, hình sự để có biện pháp quản lý, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh kéo giảm PPHS và VPPL. Bên cạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức, mỗi khi đến các thôn, xóm, CBCS Công an đều chủ động thông tin về những thủ đoạn hoạt động của tội phạm để người dân chủ động cảnh giác; mặt khác đã rà soát, thanh loại 3 mô hình ANTT hoạt động kém hiệu quả để xây dựng mới 3 mô hình "Đội tuần tra nhân dân", "Camera giám sát ANTT" và "Hội Phật tử chùa Đức Sơn đoàn kết, hướng thiện, tự quản ANTT". Mặt khác, Công an xã Ninh Sơn không chỉ tham mưu cho chính quyền hỗ trợ thêm chi phí ngoài định mức phụ cấp cho Công an viên bán chuyên trách mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của 50 tổ an ninh nhân dân, 5 tổ hòa giải cơ cở và 5 đội dân phòng PCCC với 150 người tham gia.

Trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm nay, Công an xã Ninh Sơn tiếp nhận, giải quyết 100% nguồn tin về ANTT, trong đó có 2 vụ PPHS đã được Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ninh Hòa khởi tố, 12 vụ xử lý hành chính và 1 vụ đang xác minh để xem xét trách nhiệm hình sự; truy bắt 1 đối tượng có quyết định truy nã của Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phúc...

Xuyên suốt thời gian triển khai dự án "Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư", "Sản xuất, cấp, quản lý CCCD", Công an xã Ninh Sơn đã nỗ lực ngày đêm rà soát, đối chiếu đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống", kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nhận thức về sự cần thiết và những tiện ích của CCCD, đến nhà người già yếu, khuyết tật, ốm đau để hỗ trợ làm CCCD, nhờ đó đến nay đã cấp CCCD cho hơn 95% người dân trong độ tuổi. Thời điểm này Công an xã Ninh Sơn đã và đang tập trung thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ.

"Vẫn còn không ít khó khăn thử thách, nhưng với 100% CBCS đều là đảng viên, tất cả đều luôn đoàn kết bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ đạo nghiệp vụ của Công an thị xã Ninh Hòa, Công an xã Ninh Sơn sẽ tiếp tục giữ vững danh hiệu đơn vị quyết thắng, bảo đảm ổn định ANTT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương", Trung tá Nguyễn Hữu Ngân chia sẻ.

Lịch thi đấu bóng đá nam SEA Games 32

Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023, cũng được gọi là SEA Games 2023 hay SEA Games 32, sẽ là lần thứ 32 của Đại hội Thể thao Đông Nam Á, một sự kiện thể thao đa môn hai năm một lần của khu vực. Đại hội lần này sẽ được tổ chức ở Phnôm Pênh, Campuchia từ ngày 5 đến 17 tháng 5 năm 2023.




ĐÂY LÀ LỊCH THI ĐẤU CỦA BÓNG ĐÁ NAM SEAGAME 32




Leo núi cô Tiên dịp lễ 30-4

 Trong dịp lễ 30-4, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), để thỏa đam mê “xê dịch", nâng cao sức khoẻ, một số người dân và du khách đã chọn leo núi Cô Tiên (phường Vĩnh Hoà).

4 giờ 30 sáng 30-4, dưới chân núi Cô Tiên có rất đông người dân và du khách đã tập trung chuẩn bị cho chuyến đi của mình. Chia sẻ với Khánh Hòa Online, bạn Nguyễn Lâm Ngọc (sinh viên năm 3, Trường Đại học Bách Khoa, TP.HCM) cho biết, mình e ngại những nơi đông đúc, ồn ào; do đó, thay vì cùng bạn bè đi du lịch, Ngọc đã chọn về quê, tham gia chuyến leo núi cùng mẹ và em trai. “Đây là lần đầu tiên tôi leo núi. Hành trình hơn 2 tiếng đồng hồ chinh phục 3 đỉnh núi Cô Tiên đã giúp tôi xua đi những suy nghĩ tiêu cực “chênh vênh trước tuổi 30”, phá bỏ những suy nghĩ cũ kỹ và khám phá bao điều mới mẻ”, Lâm Ngọc nói.

Núi Cô Tiên nằm ở phía Tây Bắc thuộc địa phận của phường Vĩnh Hòa. Theo quan sát, ngọn núi Cô Tiên có độ cao chừng 400m, với 3 đỉnh núi nằm kề bên nhau, tựa như một hình dáng của một người phụ nữ xõa mái tóc dài thướt tha và ngẩng mặt nhìn lên trời. Đây là một nơi rất thích hợp để ngắm nhìn thành phố Nha Trang vào cuối ngày, hóng mát hay cùng bạn bè, gia đình rèn luyện sức khoẻ… “Thứ 7 hoặc chủ nhất hàng tuần, tôi thường leo lên núi rèn luyện thể lực, nâng cao sức khoẻ và hít thở không khí trong lành. Lễ năm nay, vẫn như thường lệ, tôi chọn leo núi một mình vì bản thân sợ đông người”, anh Nguyễn Trung Kiên (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) chia sẻ.

Những năm trước, vào những dịp lễ, gia đình chị Lê Thị Hường (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) thường đưa con đi du lịch ngoại tỉnh; tuy nhiên, năm nay chị Hường quyết định cùng con gái trên đỉnh núi cô Tiên. Không chỉ là cảm giác vượt qua được giới hạn của bản thân, tận hưởng một trải nghiệm hoàn toàn mới mà chị Hường còn chia sẻ rằng, cảm xúc khi hai mẹ con ôm chầm lấy nhau truyền năng lượng để cùng nhau đi tiếp nó cũng rất tuyệt vời, rất chân thực, nếu ở thành phố khó có được như thế.

Anh Агап, du khách Nga thích thú chia sẻ sau khi chinh phục 3 đỉnh núi Cô Tiên: “Lên cao nhìn xuống rất thích. Thu vào tầm mắt mình là một vùng trời đẹp, thưởng cảnh đẹp khi vừa chinh phục đỉnh núi là cảm giác không thể nào diễn tả được” .

Nhân ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, một nhóm thầy, cô giáo cùng các em học sinh đã làm lễ chào cờ, thay mới những lá cờ Tổ quốc ở  3 đỉnh núi Cô Tiên.

Nhiều người thường xuyên leo núi cô Tiên cho biết, để chuẩn bị tốt nhất cho hành trình leo núi, cần  tối giản hóa đồ đạc cần mang theo. Điều quan trọng nữa là phải mang theo nước, đồ ăn phù hợp. Cuối cùng không thể thiếu chính là ý chí chinh phục đỉnh núi….






Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

Khánh Hòa sẽ dời trụ sở các cơ quan tỉnh về khu Đồng Bò

Ngày 25-4, UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay vừa giao các đơn vị, sở, ngành khẩn trương hoàn thành các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, thi tuyển kiến trúc và các thủ tục về đầu tư, xây dựng có liên quan để tổ chức khởi công xây dựng công trình trụ sở các cơ quan Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong tháng 10-2023.

 Trụ sở cơ quan tỉnh Khánh Hòa ở khu 1 Trần Phú

Trước đó, ngày 9-3-2023, Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa có kết luận "thống nhất giữ nguyên phương án xây dựng khối trụ sở các cơ quan Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại khu đất số 1 Trần Phú, TP Nha Trang".

Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng kết luận, bố trí xây trụ sở chung cho các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh tại khu vực quy hoạch Trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa tại xã Vĩnh Thái (TP Nha Trang).

Như vậy, các sở, ban, ngành đang làm việc tại các khu liên cơ và trung tâm TP Nha Trang hiện nay sẽ phải di dời khi hoàn thành xây dựng trụ sở mới tại khu vực Đồng Bò, bên Sông Tắc thuộc phía tây TP Nha Trang.


Khu đất số 1 Trần Phú, TP Nha Trang có tổng diện tích hơn 3,6ha, phạm vi giáp các đường Trần Phú, Phan Chu Trinh, Ngô Quyền và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hiện khu đất này có trụ sở các cơ quan UBND tỉnh, HĐND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh (Tỉnh đội Khánh Hòa) và khu liên cơ 1 (gồm 6 sở).

Đó vốn là khu đất cơ quan, trụ sở (cấp tỉnh) và đất quốc phòng (1,902ha do Tỉnh đội Khánh Hòa đang quản lý, sử dụng) từ sau năm 1975.

Thế nhưng vào tháng 12-2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt quy hoạch phân khu (tỉ lệ 1/2000) khu dân cư phường Xương Huân - Vạn Thạnh (TP Nha Trang). Theo đó, toàn bộ khu đất cơ quan, trụ sở và đất quốc phòng kể trên đã bị chuyển mục đích sử dụng thành đất thương mại, dịch vụ và ghép luôn vào khu đất thương mại (ký hiệu TM-22; tổng diện tích 75ha).

Vừa qua, theo các kết luận của tỉnh Khánh Hòa, TP Nha Trang đã thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ khu đất số 1 Trần Phú.

Theo đó, chuyển lại hơn 3,6ha đất thương mại, dịch vụ đang tồn tại các cơ quan của tỉnh là đất cơ quan, trụ sở (không còn đất quốc phòng).

Điều chỉnh quy hoạch khu đô thị trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa


Vào năm 2012, tỉnh Khánh Hòa quy hoạch xây dựng khu đô thị hành chính mới của tỉnh (có tổng diện tích 126ha) tại khu vực Đồng Bò. Trong đó, có khu trung tâm hành chính tập trung (37ha) và khu nhà ở thương mại, dịch vụ văn phòng (89ha).

Năm 2015, Khánh Hòa công bố lấy ý kiến góp ý về đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị hành chính mới này. Trong đó, có thiết kế "tòa nhà chính quyền được tạo hình khối lớn như một quả trứng yến khổng lồ đang nở".

Tòa nhà "trứng yến" bố trí trụ sở các cơ quan: UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và 14 đơn vị khối Đảng, đoàn thể. Nhưng quy hoạch nêu trên đã bị tạm dừng triển khai.

Hiện TP Nha Trang đang thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu (1/2000) khu đô thị - công viên - trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa.

Đồ án điều chỉnh có bố trí gần 10ha để xây dựng cơ quan hành chính, phục vụ việc di dời các cơ quan cấp sở, ban, ngành tại trung tâm TP Nha Trang hiện nay.

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Trần Quí Thanh là ai? Tiểu sử của ông Thanh

Ông Thanh xuất thân từ kỹ sư cơ khí, nhưng rẽ hướng kinh doanh sang ngành thực phẩm và khởi nghiệp từ một cơ sở sản xuất nước giải khát nhỏ vào năm 1994 – thời điểm Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Tân Hiệp Phát được thành lập, dòng sản phẩm chính là sản xuất nước giải khát có ga, nước ngọt và hương vị bia. 

Ông sinh ngày 15/10/1953 tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, chuyên ngành kỹ sư cơ khí chế tạo máy, có học vị tiến sĩ quản trị kinh doanh của Southern California University (Mỹ), là người sáng lập và điều hành công ty nước giải khát Tân Hiệp Phát.  Bố là ông Trần Văn Bưởi – chủ vựa buôn bán vật liệu xây dựng Hiệp Phát. Từ bé, ông Thanh đã được gửi vào trường Taberd Sài Gòn, một ngôi trường nói tiếng Pháp danh giá bậc nhất lúc bấy giờ, dành cho con cái nhà giàu.


Biến cố đột ngột xảy đến với gia đình khi mẹ ông qua đời, cha ông phải gửi con trai vào cô nhi viện – cách khá xa Đà Lạt. Tuổi thơ với biến cố lớn đã giúp ông chủ Tân Hiệp Phát nghiệm rằng: “Muốn tồn tại thì phải làm tốt và phải chiến đấu”.

Trước đây ông Thanh từng làm việc tại Tổng công ty thực phẩm Trung ương. Tiếp sau đó, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Xưởng Cồn Gas & nước giải khát Bến Thành thuộc Tổng công ty thực phẩm miền Nam. Ông Thanh một lần nữa chứng tỏ sự nhạy bén của mình khi chuyển sang sang lĩnh vực sản xuất carbon dioxide và sirô fructose. Đây là nền móng để sau này ông phát triển thêm đồ uống thể thao và nước tăng lực.

Giai đoạn 1995 - 2009, Tân Hiệp Phát liên tục mở rộng thị trường kinh doanh, đưa ra nhiều sản phẩm nổi tiếng vào thị trường nước giải khát Việt Nam. Nổi bật là những cái tên như Nước tăng lực Number 1, Trà xanh Không Độ, Trà thanh nhiệt Dr Thanh, Trà sữa Macchiato Không Độ, Nước tăng lực Number 1 Chanh, Dâu, nước ép trái cây Number 1 Juicie, sữa đậu nành Number 1 Soya, sữa đậu xanh Number 1 Soya, nước tinh khiết Number 1, nước uống vận động Number 1 Active, trà Ô Long Không Độ Linh Chi, Trà Bí đao collagen...Đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của nhãn hiệu này.

Ngày 08 - 10/04, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Bộ Công An đã ban hành quyết định khởi tố với ông Trần Quí Thanh, ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng 2 con gái là bà Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích. Đồng thời, CQCSĐT thi hành lệnh bắt tạm giam với ông Thanh và bà Phương.

Bộ Công an giao Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết nội dung đơn của một số công dân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh từ tháng 11/2020.

Quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định: Hành vi của Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

Hoàn thành tuyến đường kết nối Khu kinh tế Vân Phong

Đường nối từ quốc lộ 1 đến Đầm Môn dài 14km, vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, hoàn thành sau 6 năm, giúp thu hút đầu tư ở khu kinh tế Vân Phong.


Đường được Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong (chủ đầu tư) thông xe sáng 27/3, sau 7 năm thực hiện. Tuyến gồm 6 làn xe, dài hơn 14 km, rộng 34 m, hệ thống điện chiếu sáng và các hạng mục khác. Điểm đầu tuyến giao với quốc lộ 1, điểm cuối tại xã Vạn Thạnh, đều thuộc huyện Vạn Ninh. Trong tổng mức đầu tư hơn 998 tỷ đồng, vốn Trung ương 715 tỷ đồng, còn lại ngân sách địa phương.


Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nói dự án giúp kết nối giao thông khu vực, thu hút đầu tư các dự án lớn vào khu kinh tế Vân Phong. Khu kinh tế nằm ở phía bắc tỉnh phát triển hiệu quả sẽ góp phần đưa Khánh Hoà lên thành phố trực thuộc Trung ương.


Khu kinh tế Vân Phong là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của Khánh Hòa. Nơi này hội tụ điều kiện thuận lợi và nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đa ngành, trở thành trung tâm kinh tế biển cả nước. Sau dự án nói trên, khu kinh tế tiếp tục được đầu hệ thống giao thông dài 40 km, tổng vốn 3.000 tỷ đồng.

Khánh Hòa vừa duyệt dự án thành phần 1 dài 31 km, tổng vốn đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, thuộc dự án cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột dài 117 km, giúp kết nối các tỉnh Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, phát triển kinh tế ở khu vực.


Thi công thành phần 1 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

 Dự án thành phần 1 cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột dài hơn 31 km, giúp kết nối các tỉnh Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, phát triển kinh tế ở khu vực.

Nội dung trong quyết định dự án thành phần 1, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vừa được UBND tỉnh Khánh Hoà phê duyệt. Tuyến đường thuộc dự án cao tốc kết nối tỉnh ven biển Khánh Hoà với Tây Nguyên, dài hơn 117 km, tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, đã được Chính phủ thông qua.

Dự án thành phần 1 dài hơn 31,5 km, đị qua địa phận thị xã Ninh Hoà; điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B và quốc lộ 1, thuộc khu vực cảng nam Vân Phong, điểm cuối thuộc xã Ninh Tây.

Giai đoạn đầu, đường được xây rộng 17 m, 4 làn xe, sau đó sẽ nâng lên 25 m, vận tốc thiết kế 100 km/h. Toàn tuyến làm ba nút giao, hai cầu vượt, 15 hầm chui, 21 cầu (18 cầu tuyến chính; ba cầu trên đường ngang, đường gom).

Trong tổng số vốn hơn 5.300 tỷ đồng, hơn 600 tỷ đồng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, gần 4.000 tỷ đồng chi phí xây dựng, hơn 700 tỷ dành cho phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí dự phòng. Tuyến sẽ được hoàn thành một số đoạn có lượng xe đông trước năm 2025, khai thác đồng bộ vào 2027.

Cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột chia làm ba dự án thành phần. Ngoài dự án thành phần 1 do tỉnh Khánh Hoà triển khai, dự án thành phần 2 dài 37,5 km do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản, dự án thành phần 3 dài 48,5 km do Đăk Lăk thực hiện. Cả ba dự án đang được đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, mục tiêu khởi công giữa năm sau.

Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ giúp kết nối Tây Nguyên với đồng bằng duyên hải miền Trung. Đây cũng tuyến vận chuyển nông sản của các tỉnh Tây Nguyên xuất khẩu thông qua cảng biển Vân Phong (Khánh Hòa).

Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc trung ương

 Đến năm 2030, Khánh Hoà sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương với định hướng phát triển trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế, theo quyết định của Thủ tướng.

Thông tin đề cập trong quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Khánh Hoà giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, được ban hành ngày 29/3.

Theo đó, đến năm 2030, Khánh Hòa có hai đô thị loại I là thành phố Nha Trang và Cam Lâm, còn Cam Ranh là đô thị loại II. Trong đó, Nha Trang sẽ là đô thị hạt nhân, Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics và huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

Còn huyện Vạn Ninh sẽ là đô thị du lịch biển cao cấp, thị xã Ninh Hòa được quy hoạch là đô thị công nghiệp và huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống...

Trong tương lai, Khánh Hoà được xác định là cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. GRDP bình quân đầu người của địa phương đạt nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.

Thành phố trực thuộc trung ương là đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh, nằm dưới sự quản lý của trung ương. Hiện cả nước có 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Một đô thị trở thành thành phố trực thuộc trung ương phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn được quy định tại nghị quyết 1211 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phân loại đơn vị hành chính, như: quy mô dân số từ 1.500.000 người trở lên; diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định, trong đó mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt bình quân của cả nước; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt 90%...

Khánh Hoà có diện tích 5.137 km2 với 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 2 thành phố trực thuộc tỉnh, một thị xã và 6 huyện. Dân số trên 1,2 triệu người.

Nhiều quyết định đầu tư vào Khánh Hoà sắp triển khai

 8 quyết định đầu tư có tổng vốn trên 31.000 tỷ đồng được chính quyền Khánh Hoà trao cho các doanh nghiệp, ngày 2/4.

Các quyết định trên được tỉnh này trao tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023. Buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và hơn 1.400 đại biểu.

Theo đó, 8 dự án được UBND tỉnh trao quyết định chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 31.200 tỷ đồng. Trong đó có một dự án có vốn đầu tư trên 25.000 tỷ đồng là Dự án khu du lịch Bãi cát Thấm thuộc Khu Kinh tế Vân Phong; một dự án trên 3.756 tỷ là Dự án Nhà ở Xã hội Vinhomes Happy Home.

Tại hội nghị còn có 16 dự án ký biên bản ghi nhớ với tổng vốn đăng ký trên 80.600 tỷ đồng. Ngoài ra, được thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân với dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh với tổng vốn đăng ký hơn 85.200 tỷ đồng. Dự án này có quy mô sử dụng đất hơn 1.250 ha, quy mô dân số khoảng 230.779 người, với số lượng nhà ở gồm nhà ở liền kề hơn 8.400 căn.


Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết Khánh Hoà vừa hoàn tất việc lập, phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Khánh Hòa nằm trong tổng thể phát triển của Việt Nam và hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh và bền vững, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, phát triển văn hóa.

Tuy nhiên, Khánh Hòa chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thế mạnh của tỉnh. Tỉnh cần nỗ lực hơn trong khai thác, quản lý các nguồn lực gắn với nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái; hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Năm 2022, kinh tế - xã hội Khánh Hòa phục hồi mạnh, đạt và vượt 20/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, GRDP tăng 20,7% (cao nhất cả nước), bình quân đầu người đạt 76,5 triệu đồng, tăng 22,3%; thu ngân sách đạt hơn 16.500 tỷ đồng, vượt 37,3% dự toán; tổng vốn đầu tư phát triển đạt 62.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021.

Khánh Hòa có diện tích 5.137 km2 với 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 2 thành phố trực thuộc tỉnh, một thị xã và 6 huyện. Dân số trên 1,2 triệu người. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng, tầm nhìn năm 2050, tỉnh này sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương với định hướng phát triển trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế.